tổng số 9.456 căn nhà, tổng diện tích sàn là 860.205m2.
Thông tin này được Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, ông Trần Hoàng Quân, đưa ra tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì chiều ngày 14/7.
Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Trần Hoàng Quân cho biết thị trường bất động sản TP. HCM vẫn hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, quá trình phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở, của TP. HCM vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, chưa đa dạng về sản phẩm, đặc biệt là nhà ở cho thuê.
6 tháng đầu năm 2022, Sở Xây dựng TP. HCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 17 dự án, tổng số 9.456 căn nhà, tổng diện tích sàn là 860.205m2.
Trong số đó: căn hộ chung cư là 8.937 căn với tổng diện tích sàn là 668.644m2; nhà ở thấp tầng là 519 căn với diện tích sàn là 191.561m2. Tổng giá trị cần huy động là 77.591 tỷ đồng...
So sánh nguồn cung nhà ở 6 tháng đầu năm 2022 so với 6 tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM đánh giá: tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường tăng 8,3%, tổng số căn nhà tăng 46,58%.
Tuy nhiên nhìn tổng thể, ông Quân đánh giá cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường và bảo đảm an sinh xã hội, vì theo nhu cầu thực tế, phân khúc căn hộ bình dân phải chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng trong thời gian qua tỷ lệ căn hộ bình dân giảm 100%, chiếm tỷ lệ thấp nhất.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ trung cấp giảm 34,41% và phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao 111,29%. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng, theo ông Quân, phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, TP. HCM chỉ có 1 dự án được xem xét đủ điều kiện chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng dự án là một trong các biện pháp giải quyết những khó khăn cho từng dự án, góp phần khôi phục dự án, tiếp tục khởi công xây dựng lại đối với các dự án ngưng thi công, hoàn thiện công trình, đưa sản phẩm vào thị trường, giải quyết được hàng tồn kho.
Tuy nhiên, tình hình chuyển nhượng các dự án nhà ở trong thời gian qua giảm mạnh do chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý, đồng thời cũng do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dự án mới, đặt biệt là những dự án phân khúc nhà ở bình dân.
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, TP. HCM đã ban hành các gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế-xã hội, trong đó có hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đến nay, ông Quân đánh giá các hoạt động đầu tư xây dựng đã cơ bản phục hồi trở lại như trước khi có dịch.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã phát triển 4 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở (đạt 60% chỉ tiêu đề ra trong năm 2022 là 6,6 triệu m2 sàn), nâng diện tích bình quân đầu người của thành phố lên 21,14 m2/người.
Với tình hình hiện nay, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM dự báo thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2022 vẫn hoạt động bình thường. Dù vậy, tình hình thị trường sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ những thông tin sai lệch về nhà đầu tư và sản phẩm bất động sản làm tâm lý người dân e dè, dẫn đến tần suất giao dịch hạn chế, tính thanh khoản chậm.
"Hiện nay các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chính sách tín dụng, sự phát triển lệch pha cung - cầu, sự gia tăng rất lớn của các nhà đầu tư thứ cấp và chính sách thuế đang được kiểm soát một cách hiệu quả nên thị trường khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản trong những tháng cuối năm 2022", Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM dự báo.
Về các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản, TP. HCM kiến nghị Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án bất động sản để các địa phương triển khai thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư; duyệt quy hoạch; giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; cấp giấy phép xây dựng.
Hiện nay do hệ thống các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ (pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quy hoạch, tài chính, thuế…) dẫn đến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị hồ sơ đầu tư xây dựng dự án, mà ở TP. HCM là một điển hình.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, vướng mắc tập trung hiện nay là việc xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và cơ chế giao đất cho thuê đất đang là bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án bất động sản, ảnh hưởng không nhỏ đến kêu gọi đầu tư nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Giải pháp chung của TP. HCM đưa ra là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắt thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản. Trước mắt, thành phố đã hệ thống được trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để các nhà đầu tư biết thực hiện.
Thành phố cũng sẽ tận dụng gói hỗ trợ của chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh để tập trung thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, góp phần an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người thu nhập thấp, trung bình có khó khăn về nhà ở.
Thành phố cũng tiếp tục xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị... hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản.
Cùng với đó, thành phố tăng cường thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.
Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM nhấn mạnh để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, thành phố tiếp tục triển khai một số giải pháp, bố trí đưa vốn tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ… để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng phục hồi.
<Theo VietnamFinance>
Comments